Nhóm học tập rất cần thiết trong dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học. Khi học theo nhóm các em được chia sẻ ý kiến cho nhau, được hỗ trợ giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ nhằm phát triển năng lực và phẩm chất, hoàn thiện bản thân trong quá trình học tập.
Việc chia nhóm phải đảm bảo cho các em học sinh được học tập thuận lợi, chỗ ngồi của nhóm phải dễ trao đổi thảo luận với nhau để cùng nhau học tập xây dựng bài học dưới sự điều khiển của giáo viên. Các em phải được thuận lợi trong việc ghi vở và đọc các tư liệu bài học cũng như thuận lợi khi thực hành thí nghiệm. Nhóm học tập có thể 2 em, 3 em, tốt nhất là 4 em để đảm bảo các em dễ hợp tác với nhau.
Khi chia nhóm, giáo viên cần tránh: Chọn số lượng nhóm quá lớn làm cản trở sự trao đổi và điều khiển của nhóm trưởng cũng như các thành viên trong nhóm, dẫn đến một số em bị bỏ rơi khi thảo luận hoặc không có cơ hội trình bày ý kiến của mình khi thảo luận; lựa chọn học nhóm không phù hợp với phương pháp, kỹ thuật mà giáo viên đưa ra, chẳng hạn như thuyết trình, trình chiếu, vấn đáp, không có thảo luận trong nhóm học sinh.
Giáo viên nên: Chia nhóm một cách tối ưu (nếu được 4 – 6 em một nhóm là tốt nhất) sao cho các em có thể trao đổi thảo luận và quán xuyến công việc của nhau trong quá trình học tập. Vị trí đặt bàn ghế các nhóm phải thuận lợi cho việc đi lại của giáo viên và học sinh, nên để không gian trong lớp mà giáo viên có thể đi lại được xung quanh lớp học; Điều chỉnh những đồ đạc không cần thiết được cất đi nếu gây cản trở khi tổ chức hoạt động nhóm; Luân phiên chỉ định nhóm trưởng và thành viên trong nhóm báo cáo kết quả hoạt động nhóm một cách linh hoạt phù hợp trong các hoạt đông của từng bài học.
CÁC NGUYÊN TẮC HOẠTĐỘNG NHÓM
- LẮNG NGHE
Lắng nghe giúp mọi người hiểu nhau một cách trực tiếp và rõ ràng. Việc hiểu nhau sẽ giúp các thành viên trong nhóm dễ dàng làm việc với nhau hơn. Để lắng nghe giỏi người nghe cần phải dẹp bỏ thành kiến, suy nghĩ cá nhân đồng thời đòi hỏi một tư tưởng mở để tiếp thu quan điểm của người khác.
- TÔN TRỌNG NGƯỜI KHÁC
Tôn trong người khác là một điều tối quan trọng. Trong cùng một nhóm các thành viên phải biết trợ giúp lẫn nhau trong công việc, nếu đồng đội của mình gặp khó khăn hãy sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ họ. Việc làm này sẽ tạo nên sự gắn kết giữa các thành viên trong nhóm lại với nhau.
Tôn trọng người khác còn nâng cao năng lực tự chủ, khiêm tốn, góp phần giúp nhân cách bạn trở nên hài hòa hơn.
- TRÁCH NHIỆM
Làm việc một mình hay nhóm bạn cũng cần luyện cho mình kỹ năng có trách nhiệm với công việc. Khi làm việc một mình, kết quả không tốt thì chỉ bạn là người chịu trách nhiệm, nhưng làm việc nhóm thì khác. Nếu bạn ỷ lại hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao nghĩa là bạn đang làm ảnh hưởng đến cả tập thể. Khi đó công lao của những người cố gắng làm tốt cũng bị phủ nhận tất cả, bởi kết quả cuối cùng mới là thước đo kết quả công việc chứ không phải chỉ một phần công việc được hoàn thành.
Trách nhiệm sẽ giúp bạn trở nên bản lĩnh hơn, gia tăng tinh thần và khả năng lãnh đạo.
Để hoạt động nhóm thực sự hiệu quả thì việc nhận xét quá trình làm việc của nhóm cũng không nên qua loa, đại khái. Càng đưa ra nhận định cụ thể càng giúp học sinh tích lũy nhiều kinh nghiệm cho những hoạt động sau. Những tiêu chí nhận xét cần thiết phải có: Tinh thần thái độ làm việc của các thành viên trong quá trình thảo luận. Kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Kĩ năng trình bày kết quả hoặc giải thích chất vấn trước lớp. Sự luân phiên trong nhóm…