Tư vấn tâm lý học đường là gì?
Hiểu một cách đơn giản thì tư vấn học đường cũng giống với hình thức tư vấn tâm lý bình thường, tuy nhiên phạm vi hoạt động sẽ được thu hẹp lại trong trường học. Đây là một hoạt động hữu ích dựa trên các cơ sở lý thuyết để có thể giúp cho học sinh có định hướng đúng đắn hơn về những vấn đề riêng tư, xã hội hoặc giúp xác định cụ thể về nghề nghiệp của bản thân trong tương lai.
Hoạt động này không chỉ hỗ trợ tốt cho tâm lý của học sinh mà còn giúp ích rất nhiều cho giáo viên, cán bộ nhà trường, phụ huynh học sinh nhằm nâng cao khả năng tự giải quyết các vấn đề có liên quan đến học đường cũng như các mối quan hệ giữa họ với học sinh. Hiện nay, ngoài việc giúp cho các học viên có được định hướng tốt thì tư vấn học đường còn mở rộng thêm nhiều khía cạnh khác nhau.
Thông qua các buổi tư vấn học đường, học viên có thể biết thêm nhiều kỹ năng như bệnh vực, biện hộ, định hướng tương lai, cải thiện tốt việc học tập, nâng cao thành tích cá nhân,…Thực tế thì tư vấn học đường đã có từ rất lâu nhưng khoảng 10 năm trở lại đây mới phổ biến và được quan tâm nhiều tại nước ta.
Tại Việt Nam, tư vấn học đường được chia thành 3 phần chính, đó là tư vấn tâm lý, tư vấn hướng nghiệp và tư vấn học đường căn bản. Các đối tượng chính mà phương pháp này nhắm đến là học sinh, phụ huynh học sinh, giáo viên các cấp, nhân viên văn phòng, cán bộ công chức, viên chức hoặc những cá nhân có niềm đam mê đối với công tác cộng đồng và công tác giáo dục.
Thực trạng tâm lý học đường hiện nay
Hiện nay, tâm lý học đường tại nước ta đang là vấn đề vô cùng nhạy cảm và cũng là áp lực rất lớn đối với phía nhà trường, các nhà chức trách cùng hội phụ huynh học sinh. Dựa vào số liệu đã khảo sát sức khỏe định kỳ cho các em học sinh THCS tại Hà Nội nhận thấy rằng có khoảng 25,7% trên tổng 1.727 em học sinh gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Đặc biệt là tỉ lệ học sinh nữ gặp vấn đề tâm lý, sức khỏe tinh thần lại chiếm phần cao hơn so với học sinh nam. Cũng dựa vào khảo sát này cho thấy có đến 20,6% các học sinh chỉ mới bước vào lớp một đã phải thường xuyên lo lắng quá mức về kết quả học tập của bản thân, từ đó dẫn đến tình trạng bệnh trầm cảm.
Theo một nghiên cứu khác được thực hiện trên khoảng 1.314 các em học sinh ở độ tuổi từ 6 đến 16 tại khoảng 10 tỉnh thành của nước ta nhận thấy có khoảng 9,6% các trẻ gặp phải những vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu ở giai đoạn nhẹ.
Thống kê chi tiết nhận thấy các trường hợp trẻ bị trầm cảm là do nhiều yếu tố khác nhau. Cụ thể có khoảng 16,29% các trẻ thường xuyên cảm thấy buồn bã, chán nản về chuyện tình cảm; khoảng 4,1% các trẻ cảm thấy không hài lòng, tự ti về ngoại hình và cơ thể của bản thân; khoảng 2,1% các trẻ có xu hướng sống khép kín, thu mình lại và có khoảng 1,8% các trẻ em nghiện chơi game, các trò chơi điện tử.
Đặc biệt vào năm 2000, các chuyên gia cũng đã thực hiện một cuộc khảo sát lớn với học sinh, sinh viên ở độ tuổi từ 15 đến 18 sinh sống và học tập tại TPHCM. Kết quả nhận thấy rằng:
- Hơn 50% số học sinh thấy mình không được thấu hiểu và đồng cảm.
- Hơn 70% rơi vào trạng thái phải đối mặt với khó khăn về một hoặc nhiều vấn đề nào đó.
- Khoảng 85% số học sinh lựa chọn tâm sự, chia sẻ với bạn bè nhiều hơn là với gia đình, phụ huynh.
- Có đến gần 90% các em học sinh lựa chọn cách tự sát vì cảm thấy cha mẹ không hiểu và thông cảm cho mình.
- Có khoảng 75% học sinh cấp 3 mất định hướng và cảm thấy hoang mang khi đứng trước sự lựa chọn chuyên ngành đại học.
- Khoảng 30% các sinh viên năm nhất cảm thấy bế tắc, chán nản vì sai lầm trong lựa chọn ngành học. Tỉ lệ này tăng lên đến hơn 50% khi sinh viên bước vào năm 2 và năm 3.
- Đến hơn 90% các trường hợp trẻ vị thành niên có những hành vi phạm pháp vì mất phương hướng và thiếu sự quan tâm của gia đình.
Tư vấn tâm lý học đường cho học sinh quan trọng như thế nào?
Đứng trước thực trạng căng thẳng của tâm lý học đường thì giải pháp tốt và hữu hiệu nhất đối với tình trạng này đó chính là tăng cường hoạt động tư vấn tâm lý học đường. Tốt nhất nhà trường và các bậc phụ huynh nên thực hiện tư vấn học đường cho trẻ từ khi chúng còn ngồi trên ghế nhà trường, đặc biệt là các giai đoạn trẻ đang dậy thì, tâm sinh lý của trẻ có nhiều thay đổi. Thêm vào đó là các giai đoạn năm học cuối cấp hoặc đầu cấp như lớp 6, lớp 9, lớp 10, lớp 12…
Không phải tự nhiên mà công tác tư vấn tâm lý học đường lại trở thành một trong các lĩnh vực quan trọng và được nền giáo dục đặc biệt quan tâm. Thực tế nhận thấy rằng, nhiều giáo viên, các bậc phụ huynh thường lơ là và quên mất rằng học sinh là lứa tuổi vô cùng nhạy cảm. Đặc biệt là những em từ 12 đến 18 tuổi phải đối mặt với áp lực, khó khăn trong học tập lẫn cuộc sống, bên cạnh đó các em còn phải thích nghi với sự thay đổi lớn về suy nghĩ, cảm xúc và cơ thể từ quá trình dậy thì.
Quá trình tư vấn tâm lý học đường cho học sinh không chỉ giúp các em giải quyết được những vấn đề đang gặp phải mà còn hỗ trợ cải thiện tốt các mối quan hệ giữa con cái với cha mẹ, học trò với thầy cô, giữa bạn bè với nhau,… Phương pháp này sẽ giúp cho các em học sinh tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình học tập cũng như cuộc sống. Các em sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu, giảm bớt các căng thẳng, mệt mỏi, áp lực để giúp cho việc học tập hiệu quả hơn, cuộc sống cũng được cân bằng và vui vẻ.
Việc có thể áp dụng tư vấn học đường từ sớm sẽ giúp xử lý được các nguy cơ tiềm ẩn có thể khởi phát ở trẻ em như chán học, bỏ học, bạo lực học đường, các hành vi vi phạm pháp luật, tự hủy hoại bản thân, sa ngã vào các tệ nạn xã hội,… Do đó có thể khẳng định rằng công tác tư vấn tâm lý học đường đóng vai trò rất quan trọng đối với việc giáo dục học sinh trong ghế nhà trường.
Trong thực tế hiện nay có rất nhiều các bạn sinh viên bị thất nghiệp hoặc không thể theo đuổi đúng nghề nghiệp của mình sau khi ra trường. Tình trạng này một phần cũng là sự sự thiếu định hướng từ đầu khiến cho các em bị mất phương hướng, dễ gặp phải thất bại trong tương lai.
Nhà trường cần phải chú ý quan tâm và bố trí giáo viên hoặc các chuyên gia/ bác sĩ tâm lý để đảm nhiệm vai trò này. Các giáo viên, chuyên gia có nhiệm vụ hướng dẫn, tư vấn tâm lý và chia sẻ, theo dõi về diễn biến tâm lý của học sinh để kịp thời phát hiện các vấn đề bất thường và đề ra phương pháp tư vấn, xử lý vấn đề tốt nhất.
Nếu có thể làm công tác tư vấn tâm lý học đường sẽ giúp hạn chế các vấn đề tiêu cực trong học đường cũng như giúp cho đời sống của học sinh được thoải mái và hạnh phúc hơn. Việc có thể định hình tốt nhân cách cho học sinh ngay từ cấp tiểu học sẽ là tiền đề vững chắc để các em tiếp nhận tiếp các bậc tiếp theo và có quá trình học tập thật tốt.
Hệ lụy nguy hiểm khi học sinh không được tư vấn tâm lý học đường
Mặc dù tư vấn tâm lý học đường đã xuất hiện từ rất lâu nhưng vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Hiện tại, Việt Nam chưa có nhiều trường học có chuyên gia chuyên nghiệp đảm nhiệm tư vấn tâm lý học đường, ngay cả các trường học ở khu vực thành phố lớn. Do đó, tỉ lệ giáo viên và học sinh được tiếp cận tốt với tư vấn học đường là rất thấp, thậm chí là không có.
Trong khi đó, các vấn đề trong tâm lý học đường ngày nay đang có xu hướng gia tăng cả về mức độ và số lượng như tự sát, bạo lực học đường, giết người, trộm cướp, trấn lột,…. Và không ít các vụ việc mà người gây án là học sinh chưa thể chịu trách nhiệm truy cứu hình sự.
Các chuyên gia cho biết rằng, những đối tượng từ khoảng 12 đến 18 tuổi là lứa tuổi nhạy cảm và có nhiều nguy cơ phạm phải sai lầm nhất. Cũng bởi lúc này các em vẫn còn suy nghĩ chưa chín chắn, nhận thức vẫn chưa thực sự đúng chuẩn mực. Trong khi cái tôi của mỗi cá nhân lại quá lớn, dễ dàng hình thành các hành vi sai lầm nếu không được định hình từ sớm.
Minh chứng cụ thể cho điều này đó chính là sự thay đổi rõ rệt của trẻ trong giai đoạn từ cấp 1 sang cấp 2. Hầu hết các trẻ cấp 1 đều rất lễ phép, ngoan ngoãn và vâng lời cha mẹ, những chuyện ở trường lớp đều có thể tâm sự và chia sẻ với phụ huynh. Tuy nhiên, khi các em bước sang cấp 2, đặc biệt là khi học lớp 7, lớp 8 thì sẽ bắt đầu hình thành ranh giới riêng cho bản thân, không muốn chia sẻ hoặc tâm sự những chuyện cá nhân với cha mẹ và thích được làm người lớn.
Hầu hết ở độ tuổi học sinh, các em sẽ thường nhận được sự bao bọc, che chở từ cha mẹ nên chưa thể chủ động trong cuộc sống. Mặt khác, các em phải thường xuyên đối mặt với nhiều căng thẳng, áp lực đến từ việc học tập, gia đình, xã hội, nhà trường, bạn bè,….Hơn thế, xung quanh trẻ còn có hàng loạt các vấn đề cám dỗ, những tệ nạn xã hội, thay đổi về tâm sinh lý, mông lung trong định hướng nghề nghiệp, tình yêu tuổi học trò,…Tuy nhiên, các em thường gặp phải khó khăn trong việc chia sẻ và giải quyết các vấn đề xảy ra với bản thân, điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ gây ra các hệ lụy nguy hiểm.
Nếu không được tư vấn tâm lý học đường đúng cách và kịp thời, học sinh có thể dần trở nên khép kín, tách biệt với xã hội, thậm chí là tự sát. Đây là hệ lụy nghiêm trọng nhất, bởi khi không được chia sẻ, thấu hiểu sẽ khiến các em dần trở nên bế tắc và tuyệt vọng, lâu dần nảy sinh ý định tự sát để tự giải thoát cho chính mình.
Quy trình tham vấn tâm lý học đường cho học sinh
Để giúp cho quá trình tư vấn tâm lý học đường mang lại hiệu quả tốt nhất thì các chuyên gia thường sẽ phải áp dụng đúng theo quy trình như sau:
- Thiết lập mối quan hệ: Trước tiên, các nhà tư vấn tâm lý học đường sẽ tiến hành trao đổi và phỏng vấn với phụ huynh và giáo viên trực tiếp của trẻ để cùng nhau xây dựng và đặt mục tiêu giúp cho trẻ giải quyết tốt các vấn đề khó khăn đang gặp phải.
- Làm rõ vấn đề: Sau đó, nhà tư vấn tâm lý sẽ trực tiếp gặp gỡ và trò chuyện với các em về những vướng mắc tâm lý. Các chuyên gia sẽ xác định vấn đề cần phải khắc phục và giải quyết bằng các phương pháp khám chuyên khoa tâm lý cho các em học sinh. Nhờ đó họ có thể giúp cho trẻ tự đặt ra mục tiêu của bản thân và thực hiện tốt các phương pháp cải thiện sức khỏe tâm lý.
- Phân tích vấn đề: Sau khi đã xác định được cụ thể những vấn đề tâm lý mà các em học sinh đang gặp phải thì nhà tư vấn sẽ bắt đầu phân tích dựa trên các thông tin, dữ liệu thu thập được. Đặc biệt là sẽ tập trung vào việc phân tích, tìm hiểu các yếu tố xung quanh gây tác động đến trẻ, cụ thể như người thân, môi trường học tập, bạn bè,….để có thể tìm ra biện pháp giải quyết tốt nhất.
- Đề xuất các giải pháp: Thông thường, các biện pháp, phương hướng giải quyết vấn đề sẽ được đề xuất từ trước. Sau khi đã hiểu rõ về các vấn đề tâm lý mà trẻ đang gặp phải thì nhà tâm lý học đường sẽ gặp gỡ và đề xuất với người thân và đối tượng về liệu pháp giải quyết.
- Thảo luận và lựa chọn giải pháp: Các nhà tư vấn tâm lý học đường sẽ cùng với người thân, phụ huynh của trẻ để lựa chọn và quyết định cụ thể phương pháp phù hợp.
- Thực hiện chiến lược: Các nhà tâm lý học được sẽ tiến hành áp dụng các phương pháp điều trị tâm lý cho các em học sinh trong một khoảng thời gian cố định.
- Đánh giá hiệu quả can thiệp và theo dõi: Sau một khoảng thời gian thực hiện tư vấn và trị liệu tâm lý cho học sinh, các nhà tâm lý sẽ bắt đầu đánh giá về hiệu quả của các phương pháp, đồng thời xem xét về việc có cần áp dụng thêm các biện pháp khác hay không.
Giải pháp thực hiện tư vấn tâm lý học đường cho học sinh
Tư vấn tâm lý học đường cho học sinh đóng một vai trò rất quan trọng đối với quá trình học tập và định hướng tương lai cho trẻ nhỏ. Để công tác tư vấn được hiệu quả và thành công thì các nhà tâm lý cũng cần phải biết được các giải pháp phù hợp cho từng độ tuổi và từng giai đoạn khác nhau:
1. Đối với cấp tiểu học
Thông thường, tư vấn tâm lý học đường bậc tiểu học sẽ cung cấp theo nhiều hình thức như tư vấn cá nhân, tư vấn gia đình, tư vấn nhóm học sinh để lắng nghe và tìm hiểu về các thông tin học tập cho đến những định hướng trong tương lai. Trong quá trình tư vấn tâm lý cấp tiểu học, nhà tâm lý cần chú ý quan sát trẻ trong lúc học tập, vui chơi, trao đổi với giáo viên, phụ huynh để cùng nhau đánh giá đúng nhất về tình trạng sức khỏe, các khó khăn mà trẻ đang gặp phải cũng như các mong muốn, nhu cầu riêng của mỗi cá nhân. Đồng thời, nhà tâm lý cũng cần kết hợp cùng với nhà trường để đảm bảo và nâng cao khả năng học tập cho các em, lựa chọn đúng chương trình và nhu cầu phát triển của trẻ.
2. Đối với cấp trung học cơ sở
Đối với cấp trung học cơ sở thì công tác tư vấn tâm lý học đường cũng sẽ tương tự như cấp tiểu học. Tuy nhiên cần phải chú trọng đẩy mạnh hơn về việc khai thác các nguồn lực tự thân của mỗi trẻ, gia đình cùng xã hội. Nhờ đó có thể giúp cho các em học sinh học tập tốt hơn, giải quyết được các vấn đề về định hướng tương lai, lựa chọn nghề nghiệp, chọn trường phổ thông trung học,…
Dựa vào những thông tin giáo dục mới hiện nay thì nhà tâm lý cần phải tập trung vào việc tư vấn học tập, cân bằng cảm xúc tuổi dậy thì, tình cảm tuổi học trò và định hướng hướng nghiệp cho các em học sinh trung học cơ sở. Nhờ đó mà các em có thể xác định được loại hình học tập của mình trong tương lai và biết rõ về nghề nghiệp liên quan. Bên cạnh đó, cần phải hỗ trợ học sinh về một số vấn đề liên quan đến suy nghĩ, cảm xúc, hành vi, nhân cách để các em có sự phát triển lành mạnh trong tương lai.
3. Đối với cấp trung học phổ thông
Đối với cấp học này, các nhà tâm lý cần phải đi sâu hơn trong cách hướng dẫn cách học tập và giúp trẻ gia tăng hứng thú đến trường. Nhà trường cần phải có giải pháp để giúp cho các em học sinh cơ hội phát triển hướng nghiên cứu thực hành hoặc lý thuyết, có cái nhìn và đánh giá khách quan về những tiềm năng các những nguồn lực có sẵn. Đặc biệt cần phải chú ý nhiều đến hướng phát triển nghề nghiệp, định hướng về nhân cách và phát triển trí tuệ.
Qua đây bạn cũng thấy được tầm quan trọng của công tác tư vấn tâm lý học đường dành cho học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng nên quan tâm, dành nhiều thời gian cho con cái hơn. Nếu nhận thấy các biểu hiện tâm lý bất thường bạn nên cho trẻ tham gia các buổi tư vấn tâm lý học đường hoặc được thăm khám tại các cơ sở, trung tâm, các chuyên gia về tâm lý, tâm lý trị liệu.
4. Một số thời điểm tâm lý học sinh nhạy cảm cần được hỗ trợ
Bên cạnh các giai đoạn được phân chia theo độ tuổi, học sinh còn gặp khó khăn tâm lý ở một số thời điểm nhạy cảm như năm học đầu tiên của cấp 1, cấp 2, cấp 3; năm học cuối cấp.
Ở giai đoạn mới chuyển cấp, dù là học sinh tiểu học hay học sinh cấp 3 thì hầu như các học sinh đều gặp những bỡ ngỡ, khó khăn nhất định do thay đổi môi trường học tập, cách học tập, cách giao tiếp với bạn bè, thầy cô.
Ở giai đoạn cuối cấp, học sinh thường có áp lực học tập lớn hơn, đặc biệt là lớp 9 và lớp 12. Các bạn học sinh lớp 9 phải đối mặt với kỳ thi chuyển cấp lên lớp 10, đặc biệt là học sinh ở thành phố có áp lực rất lớn. Các bạn học sinh lớp 12 phải đương đầu với kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi vào đại học, cao đẳng, phải xác định được nghề nghiệp, mục tiêu của mình trong tương lai.