Việt Nam là quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Cuộc Cách mạng 4.0 mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh sản phẩm đồng thời là cơ hội lớn cho sản xuất công nghiệp với trình độ và công nghệ tiên tiến.
Chúng ta đang tích cực thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo theo tinh thần của Nghị quyết 29-BCHTW, đổi mới phương pháp dạy, hình thức tổ chức dạy học để chuyển từ dạy học cung cấp kiến thức sang hình thành, phát triển các năng lực, phẩm chất người học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, tăng cường kĩ năng thực hành… Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhấn mạnh việc vận dụng dạy học giải quyết vấn đề, các phương pháp thực hành, dạy học theo dự án trong các môn học; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với nội dung bài học. Quán triệt tinh thần giáo dục tích hợp giáo dục STEM trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ở những môn học liên quan.
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra công văn số 3089/BGDĐT-GDTrH ngày 14/8/2020 về việc triển khai giáo dục STEM trong giáo dục trung học.Trên tinh thần đó, ngày 26/9/2020, tập thể cán bộ - giáo viên trường THCS Thị trấn Văn Điển đã tham gia tập huấn chuyên môn “Giáo dục STEM trong giáo dục THCS và triển khai bài học STEM” dưới sự hướng dẫn của TS. Đặng Văn Sơn – Giảng viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội – Chuyên gia giáo dục STEM.
STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học – theo cách tiếp cận liên môn và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hằng ngày. Thay vì dạy bốn môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế.
Trong giáo dục STEM, thông qua tiến trình khoa học, học sinh có thể sử dụng các nghiên cứu khoa học để tự khám phá thế giới tự nhiên. Đây là một cách để đặt câu hỏi và trả lời các câu hỏi khoa học bằng cách quan sát và thực hiện các thí nghiệm. Tiến trình khoa học cung cấp cho học sinh cơ hội được thực hiện các hoạt động:
- Đặt câu hỏi về những gì học sinh muốn tìm hiểu thêm.
- Dự đoán hoặc đưa ra giả thuyết trả lời câu hỏi.
- Kiểm tra giả thuyết bằng cách lập kế hoạch và tiến hành các thí nghiệm hoặc quan sát.
- Theo dõi và ghi lại những gì xảy ra
- Sử dụng thông tin thuđược từ các quan sát/thí nghiệm phân tíchvà rút ra kết luận.
- Chia sẻ và phổ biến kết quả.
Quy trình thiết kế kĩ thuật trong giáo dục STEM
Để thay đổi không khí buổi học, trên cơ sở những kiến thức về giáo dục STEM do giảng viên trình bày, các thầy cô giáo được tham gia hai hoạt động trải nghiệm: “Giải cứu người” và “Xây tháp viễn thông”. Với nội dung “Giải cứu người” mỗi nhóm sẽ được trang bị một mô hình, hai chiếc ống hút và một viên bi. Nhiệm vụ của các nhóm là giải cứu người khỏi các tòa chung cư bị cháy từ cao xuống thấp với mục tiêu giải cứu được nhiều người nhất có thể. Nội dung thứ hai là “Xây tháp viễn thông”. Các nhóm được trang bị 2 tờ giấy A4 và băng dính. Nhiệm vụ là xây tòa tháp viễn thông để kết nối mạng cho khu dân cư trước một cơn bão lớn. Các nhóm đã nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ và trực tiếp thử nghiệm sản phẩm của nhóm mình.
Buổi tập huấn “Giáo dục STEM” đã đem lại cho cán bộ - giáo viên của trường THCS Thị trấn Văn Điển những kiến thức bổ ích về giáo dục STEM, từ đó thấy được việc đưa giáo dục STEM vào hoạt động dạy và học mang lại nhiều ý nghĩa, phù hợp với định hướng đổi mới giáo dục phổ thông. Chương trình giáo dục phổ thông hướng đến định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, mục tiêu của chương trình nhằm để trả lời cho câu hỏi: Học xong chương trình học sinh làm được gì? Chính vì vậy cần phải đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học cần phải gắn nội dung bài học với những vấn đề thực tiễn và giáo viên tổ chức hoạt động để học sinh tìm hiểu và giải quyết được vấn đề, thông qua đó tiếp thu tri thức một cách chủ động. Giáo dục STEM cũng xuất phát từ vấn đề nảy sinh trong thực tiễn được xây dựng thành các chủ đề/bài học STEM, thông qua việc giáo viên tổ chức các hoạt động học sẽ giúp học sinh tìm ra được những giải pháp để giải quyết vấn đề mà chủ đề/bài học STEM nêu ra. Với những kết quả mang lại, buổi tập huấn chuyên môn “Giáo dục STEM trong giáo dục THCS và triển khai bài học STEM” tại trường THCS Thị trấn Văn Điển thực sự bổ ích, có ý nghĩa, góp phần không nhỏ vào mục tiêu hướng tới chương trình giáo dục phổ thông mới của thầy và trò nhà trường.